Nhật ký Cồn Én.
Cồn Én, địa danh được nghe lần đầu và cũng là lần đầu tôi đặt chân đến nơi này. Người chị bạn kể, cuộc sống của người dân Cồn Én (ấp Tấn Long, xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) còn nhiều khó khăn lắm nhưng tôi cũng chưa thể hình dụng sự khó khăn ấy như thế nào? Theo yêu cầu của Linh mục Chánh xứ, Nhóm Sắc Không quyết định đến thăm Giáo xứ Cồn Én ngày 08/9/2013. Hơn mười giờ ba mươi, xe vào đến khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Hàng trăm người dân đã chờ sẵn, chắc họ sốt ruột vì phải đợi gần hai tiếng. Còn chúng tôi, ai cũng mệt sau bốn giờ ngồi trên xe dù quãng đường dài chưa đến 200 km. Cũng may, chiếc cầu bắc qua sông mới được khánh thành mấy ngày trước, nếu không chẳng biết mấy giờ sẽ đến. Nhìn nét mặt vui mừng của nhiều người dân khi thấy chúng tôi đến khiến các thành viên trong Nhóm quên đi nỗi mệt nhọc, mọi người bắt tay ngay vào công việc đã được phân công. Mười một giờ, bắt đầu khám bệnh. Nhóm chia thành các khối: Đăng ký; Khám Nội; Khám răng; Khám mắt và Phát thuốc. Linh mục Tài đích thân cầm loa gọi tên từng người vào khám bệnh; Thầy giúp xứ và những người trong giáo xứ nhiệt tình kê bàn ghế, đo huyết áp, hướng dẫn người dân đến chỗ khám bệnh. Chính nhờ sự giúp đỡ tận tình này nên việc khám bệnh, phát thuốc cho hơn hai trăm người dân diễn ra trật tự. Có thể nói, chưa nơi nào Nhóm đến mà việc tổ chức tốt như nơi đây. Tôi chợt hiểu vì sao trên cổng Nhà thờ Cồn Én lại khắc câu “ Yêu thương - Phục vụ”. Mười hai giờ, gói xôi mà các thanh viên dằn bụng hồi sáng chẳng còn gì, cơn đói hình như đang réo gọi. Nhìn những người dân nghèo đang chờ được khám bệnh, rồi những câu “ cảm ơn” được thốt ra từ người bệnh cả Nhóm hầu như chẳng nghĩ đến cái đói. Mọi người tập trung vào công việc. Mười ba giờ ba mươi, khâu khám nội và mắt hoàn tất, riêng khám và nhổ răng vẫn còn khá đông bệnh nhân. Đành xin lỗi các bệnh nhân, cho bác sĩ tạm dừng khám để ăn cơm, sau đó sẽ tiếp tục khám lại. Đảm bảo sẽ khám đến người cuối cùng. Mọi người vui vẻ ngồi chờ. Mười bốn giờ, bác sĩ tiếp tục khám và nhổ răng cho các bệnh nhân còn lại. Các thành viên khác trong Nhóm trò chuyện với Linh mục Chánh xứ, tìm hiểu cuộc sống cư dân cồn Én. Tôi hỏi một chị đang chờ khám răng: “ Sao gọi là cồn Én ?” Chị cười giải thích: “ Nếu anh nhìn trên bản đồ, cồn Én giống hệt như con chim én đang cất cánh” Nói xong, chị chùng giọng: “ Nói cho vui thế thôi, nơi đây còn nghèo lắm anh ơi! Mong vài năm nữa, dân ở đây sẽ đỡ cực hơn”. Một người dân khác nói với tôi: “Những người dân đất cồn này, dù phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vẫn không cam chịu số phận. Họ quyết tâm nuôi con ăn học để chúng thay đổi cuộc sống nơi đây”. Vâng! Tôi tin chắc, không còn bao lâu nữa điều đó sẽ xảy ra. Cồn Én sẽ cất cánh bay xa. Cảm ơn Linh mục Tài - Chánh xứ, Thầy Hiệp - giúp việc nhà xứ, nhiều anh chị em tại Nhà thờ Cồn Én đã nhiệt tình, giúp sức với Nhóm Sắc Không để công việc được viên mãn. Những viên thuốc, thùng mì, bao quần áo cũ gởi tặng người dân nghèo; Một ít tiền để hỗ trợ các em học sinh may đồng phục đến trường không đáng gì cả nhưng xin nhận nơi đây chút lòng của những nhà hảo tâm, các thành viên Nhóm Sắc Không chia sẻ một phần khó khăn của người dân cồn Én. Mười lăm giờ, việc khám răng hoàn tất. Mười lăm giờ mười lăm, từ biệt Linh mục Chánh xứ Nhóm lên đường về thành phố. Mong sẽ có ngày trở lại cồn Én. Các bài đã đăng trước đây
|