![]() | |
![]() ![]()
Về thăm Diệu Pháp.
Cũng gần một năm rồi, Nhóm SK mới có dịp trở lại Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp, huyện Long Thành, Đồng Nai để khám bệnh và tặng quà cho những người già, người khuyết tật và trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng ở đây. Thăm khu người già, chỉ còn vài người. Hỏi Sư Cô trụ trì, sao vắng thế? Chắc gia đình đã đến đón họ về đoàn tụ ? - Không ! Họ đã mất vì già và bệnh. - Người thân có mang họ về mai táng không, thưa Sư ? - Có ai đâu, mọi việc đều do nhà Chùa lo liệu hết cho họ. Nghe câu trả lời của Sư Cô trụ trì mà tôi nhói lòng. Đành rằng, người cao tuổi đến một lúc nào đó cũng phải giã từ thế gian này, đó là điều chắc chắn nhưng nhắm mắt mà không một người thân bên cạnh sao mà xót xa quá. Dù sao, các cụ lúc nhắm mắt vẫn còn niềm an ủi: có những người bạn già đồng cảnh ngộ trong chùa bên cạnh và đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không biết con cháu của những người đã khuất có biết chuyện hay không ? Hay họ biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ để nhà Chùa gánh vác hậu sự ? Thăm những người già neo đơn, ai cũng thương cảm. Lẽ ra, với độ tuổi này các cụ được ở bên con cháu để họ phụng dưỡng. Nhưng bây giờ, con cháu của họ đang ở đâu? Có biết người mẹ, người bà của họ đang mong họ từng ngày. Chị cấp dưỡng tâm sự: “Có bà cứ vào ngày chủ nhật là ra sân chùa ngồi, hy vọng gặp được người quen để nhắn con cháu đến đón về. Nhưng rồi thất vọng”. Hôm nay đúng vào ngày của Mẹ nhưng ở đây không có ngày đó bởi lẽ chẳng có hoa, chẳng có quà mà chỉ là sự đợi chờ trong vô vọng của những người mẹ từ ngày này sang ngày khác. Buồn hơn, giữa gian cuối khu nuôi người khuyết tật là một chiếc quan tài. Một người bị tâm thần mới mất hôm qua vì bệnh. Không di ảnh, không người thân nên cũng chẳng có vành khăn tang nào cả. Sáng nay, người của chùa lên đồi đào huyệt để sáng sớm mai đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng. Thành viên trong Nhóm thắp cho người quá cố nén nhang, cầu mong hương hồn sớm được siêu thoát. Vậy là xong một kiếp người. Ngược với số lượng người già giảm nhưng trẻ em bị bỏ rơi đưa vào Chùa đông hơn. Khi mà số trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi tăng đó là điều đáng buồn cho xã hội. Nhưng cũng may, các em được nhà Chùa đón nhận chăm sóc, dạy dỗ, cho ăn học. Đó là niềm vui không chỉ riêng các em mà còn cho cả mọi người. Nhìn các em reo hò khi có người đến chùa cùng nét mặt hớn hở khi được nhận quà, đồ chơi khiến những người như chúng tôi quên hết nỗi mệt nhọc sau chặng đường dài. Hình như sự bất hạnh đã tạm thời không còn hiện hữu trước những nụ cười trẻ thơ. Anh bạn bác sĩ nói: Hạnh phúc chính là lúc này, khi ta nhìn đám trẻ vui cười. Rời chùa, tôi tự hỏi: Thống kê gần đây cho thấy, kinh tế phát triển, trình độ dân trí và thu nhập quốc dân không ngừng được nâng cao nhưng tại sao số trẻ em và người già bị bỏ rơi ngày càng nhiều? Một chuyến đi trĩu nặng nỗi buồn. Các bài đã đăng trước đây
![]() |
![]() |